I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC:
- Cá thát lát cườm (hay còn gọi là cá nàng hai, cá đao, cá cườm) là loại cá quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và là loại cá nuôi mới.
- Cá thát lát cườm trong tự nhiên thường sống ở vùng kênh, rạch, ao đầm, ruộng trũng có thể chịu được nước có lượng oxy thấp, vì nó có cơ quan hô hấp phụ.
- Trong điều kiện tự nhiên, cá thường sống ở vùng tầng giữa và đáy của mực nước.
- Cá thích sống trong môi trường có nhiều thực vật thủy sinh lớn, nước trung tính có độ pH từ 6,5- 7, nhiệt độ thích hợp 26- 280C, tuổi thọ trên 10 năm tuổi và kích thước có thể trên 90 cm.
- Mùa nước lớn cá đi vào đồng ruộng ngập nước để sinh sống, mùa khô cá ra sông rạch lớn, các vực nước sâu.
- Cá thát lát cườm có tên khoa học là Notopterus chitala. Trên thế giới, cá phân bố nhiều ở các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma… Ở nước ta, cá thát lát sống từ khu vực miền Trung trở vào. Đồng bằng sông Cửu Long rất thích nghi với cá thát lát cườm, đặc biệt là những nơi có nhiều lung bào, trũng.
- Cá thát lát cườm có chất lượng thịt ngon, có thể chế biến ra nhiều món ăn cao cấp phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
- Trong tự nhiên cá bị khai thác quá mức nên càng có nguy cơ cạn kiệt.
- Hiện nay các cơ sở sản xuất cá giống đã cho sinh sản nhân tạo được, nên người nuôi có thể chủ động mua giống tại các trại cá giống.
1.Hình thái:
- Cá có thân hình dài, dẹp bên, càng về phía bụng càng mỏng, lưng gù, đường bên liên tục. Vây lưng nhỏ nằm lệch về phía sau. Gốc vây hậu môn rất dài nối liền với vây đuôi, vây đuôi trên không chẻ. Mặt lưng của thân, đầu có màu xanh rêu, hai bên hông và bụng màu trắng. Có một hàng chấm đen to tròn có mép trắng chạy dọc theo phía trên gốc vây hậu môn ở phần đuôi.
- Cá thát lát cườm là loài cá ăn tạp, nghiêng về thức ăn có nguồn gốc động vật như côn trùng, giáp xác, nhuyễn thể, cá con, phiêu sinh vật, rễ thực vật thủy sinh.
2. Sinh sản:
- Cá đẻ nhiều đợt/năm. Mùa sinh sản từ tháng 5- 10, mỗi lần đẻ từ 300-1.000 trứng/cá thể cái. Cá sinh sản khi đạt trọng lượng 300- 400g, chiều dài 45- 45cm, tuổi sinh sản từ năm thứ 3. Sức sinh sản của cá phụ thuộc vào cá yếu tố nội tại và môi trường, ở nhiệt độ 28- 320C trứng nở sau 4- 5 ngày.
II. KỸ THUẬT NUÔI
1. Chuẩn bị ao nuôi:
- Ao nuôi cá thát lát cườm tốt nhất là gần nguồn sông chính, nước ngọt có thể cung cấp dễ dàng. Ao cần có bờ chắc chắn, bờ ao cần cao hơn đỉnh lũ ít nhất 50 cm. Tùy cỡ ao lớn nhỏ mà đặt 2- 3 ống bọng để cấp và thoát nước, lấp hết các lỗ mọi quanh bờ, độ sâu nước từ 1,2- 1,5m. Nhiệt độ nước thích hợp từ 26- 300C, pH từ 7- 8,5, lượng ôxy hòa tan > 3 mg/lit.
- Cải tạo ao nuôi: Trước khi nuôi cần tát cạn ao, vét hết lớp bùn đáy, diệt tạp, bón vôi với lượng 10- 15 kg/100 m2, phơi khô đáy ao khoảng 5 ngày, cho nước vào từ 5-7 ngày mới thả cá giống, nước cần phải qua lưới lọc để ngăn cá tạp và cá dữ.
2. Chọn giống thả nuôi:
- Con giống cần phải mua ở các trại giống có uy tín, cá con có kích thước đều, không bị xây sát. Cá khỏe tập trung thành từng nhóm, núp trong giá thể, không bơi rời rạc.
- Thả cá: Cá nên thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả cá cần ngâm bao đựng cá trong ao từ 15- 20 phút để tránh cho cá khỏi bị sốc do nhiệt độ môi trường và nước ao thay đổi. Trong ao cần đặt một số giá thể cho cá trú và nên thả cá ở những vị trí này, cá mới thả thường tập trung quanh giá thể nên dễ quan sát và theo dõi.
- Mật độ thả từ 5- 10 con/m2, có thể thả chung nuôi ghép với cá khác từ 5-10%.
3. Cho cá ăn:
- Cá nhỏ rửa sạch, băm nhỏ, cá tạp có thể xay nhỏ và trộn với chất kết dính từ 1- 2% để tránh thức ăn bị rã.
- Thức ăn cần vo thành viên, đặt vào sàn ăn để theo dõi điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày.
- Cho cá ăn bổ sung thức ăn viên công nghiệp.
- Sàn ăn cần đặt ở nơi cá hay tập trung (chà hay giá thể).
- Cho cá ăn 2 lần/ngày. Do cá hoạt động mạnh vào ban đêm nên buổi sáng chỉ cho ăn 1/3 khẩu phần, buổi chiều cho ăn 2/3 khẩu phần.
- Lượng thức ăn hàng ngày bằng 10-15% trọng lượng cá lúc 1-3 tháng sau khi thả và 5-7% từ 3-8 tháng sau khi nuôi.
4. Chăm sóc, quản lý:
Tùy theo màu nước của ao mà có chế độ thay nước, lượng nước thay mỗi lần là 1/3. Thường xuyên bổ sung vitamin C và premix cho cá. Thỉnh thoảng trộn tỏi vào thức ăn cho cá với lượng 50- 100 g/10kg thức ăn liên tục trong 3 ngày.
5. Phòng trị bệnh:
- Cá khỏe thường tập trung từng đàn, ẩn nấp vào các gía thể, đớp khí mạnh và lặn nhanh. Khi cá bơi tản mạn và ngoi lên mặt nước bơi chậm chạp đó chính là dấu hiệu cá bị bệnh.
- Cá thát lát thường bị một số bệnh như:
5.1.Bệnh nấm thủy mi:
* Da cá xuất hiện vùng trắng xám có những sợi nấm nhỏ mềm, sợi nấm phát triển mạnh đan chéo nhau thành búi như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
* Trị: Tắm cá trong nước muối 2- 3% từ 5 đến 10 phút .
5.2. Bệnh trùng bánh xe:
* Da cá màu xám, thân cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục.
* Trị: Tắm trong nước muối 2- 3% từ 5 đến15 phút hoặc CuSO4 nồng độ 2- 5ppm thời gian 5 đến 15 phút hoặc phun trực tiếp CuSO4 nồng độ 0,5- 0,7 ppm xuống ao.
5.3.Trùng quả dưa (Đốm trắng ):
* Thân cá có nhiều trùng bám thành hạt lấm tấm nhỏ màu trắng đục có thể nhìn bằng mắt thường cá nổi lên mặt nước lờ đờ.
* Trị: Sử dụng CuSO4 phun xuống ao.
Chú ý: Trước khi dùng thuốc trị bệnh cho cá thì nên rút bớt nước trong ao chỉ còn khoảng 1/3 lượng nước, sau đó cho thuốc vào trị.
|