Nguồn lợi của các loài song, mây mang lại là không thể phủ nhận được trong sinh kế trong cộng đồng vùng nông thôn miền núi của tỉnh Quảng Nam. Ngoài mục đích được sử dụng trong các hộ gia đình như lương thực, dược liệu, vật liệu xây dựng..., một số sản phẩm có giá trị kinh tế lớn khi được buôn bán ngoài thị trường và góp phần đáng kể vào công tác quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng. Mấy năm gần đây, những doanh nghiệp sản xuất và chế biến song/mây cũng như các làng nghề song/mây truyền thống đang có xu hướng phát triển mạnh, đây chính là động cơ cho sự phát triển kinh tế, giải quyết số lượng lao động đáng kể và góp phần xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng nông thôn miền núi sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Nhưng ngược lại đòi hỏi nguồn nguyên liệu rất lớn mới có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và chế biến của các nhà máy và các làng nghề mây, tre đan hiện nay.
Ảnh cung cấp cây giống mây nước cho các hộ trồng mây thôn Nước Kiết xã Phước Kim
Năn 2017, qua quá trình khảo sát nhu cầu thị trường và các điều kiện thổ nhưỡng đất đai với khả năng sinh trưởng, phát triển của cây mây; Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã đầu tư xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh cây mây nước giống địa phương dưới tán rừng tại các xã trung du và miền núi của tỉnh, với qui mô 20ha/04 điểm triển khai. Trong những ngày đầu triển khai mô hình, các cán bộ kỹ thuật gặp không ít những khó khăn. Bởi lâu nay bà con chỉ quen khai thác mây bản địa mọc trong rừng tự nhiên, nên đưa chương trình trồng mây dưới tán rừng đối với họ còn khá xa lạ; hơn nữa, cây mây triển khai trồng dưới tán rừng tự nhiên các bước triển khai phức tạp hơn. Khi mới đưa cây mây giống, phân bón cấp cho bà con có người nói nửa đùa nửa thật rằng: “Khai thác mây trong rừng khỏe hơn, nhanh có tiền tiêu hơn trồng”. Họ đâu có biết rằng đến một ngày nào đó nguồn nguyên liệu mây từ rừng tự nhiên sẽ cạn kiệt dần, quảng đường đi khai thác cũng xa dần, không còn ở trong xã, huyện mà thậm chí phải đi sang tận các xã, huyện khác trong tỉnh. Đúng là cán bộ làm công tác khuyến nông cần phải có sự nhẫn nại và kiên trì thuyết phục mới đi đến thành công được. Để mô hình đạt hiệu quả cao, bằng những kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm từ thực tiễn, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam và các Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện (củ) nay là Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện đã phối hợp với các cán bộ trong Ban Nông nghiệp xã và các đoàn thể vận động nhân dân hưởng ứng tham gia mô hình trình diễn với quy mô 5ha/điểm, cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về tận hiện trường để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như kỹ thuật khai thác và sơ chế mây và được các hộ dân tham gia thực hiện mô hình hưởng ứng khá nhiệt tình.
Trồng mây nước cho hiệu quả kinh tế rất cao, nếu trồng dưới tán rừng có đầu tư phân bón, chăm sóc tốt thì chỉ sau 4-5 năm sẽ cho thu hoạch lứa đầu, ước tính đạt 30-40 triệu đồng/ha, những năm tiếp theo cho giá trị tăng gấp hai, ba lần. Người nông dân chỉ đầu tư trồng rừng năm đầu, các năm sau chỉ bỏ công chăm sóc và khai thác mây đúng qui trình kỹ thuật là rừng trồng cho thu hoạch liên tục từ 18 - 20 năm. Trồng rừng thâm canh sản lượng thu hoạch năm đầu đạt 30-35 tấn/ha, những năm sau cho thu hoạch 2 đợt/năm, ước tính sản lượng đạt từ 60-70 tấn/ha. Giá mây trên thị trường hiện nay đã trên 10.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm thu nhập trên 60 triệu đồng/ha. Trồng mây giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên rừng, đảm bảo hệ sinh thái rừng bền vững./.