Để tận dụng mặt nước các hồ chứa phát triển nuôi cá lồng bè, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, trong những năm gần đây Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã triển khai các mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đã mang lại hiệu quả rất cao. Nhằm khai thác tiềm năng các hồ chứa nước thủy điện ở các địa phương miền núi, tạo ra nghề nuôi mới, tạo sinh kế cho bà con, đồng bào bị mất đất sản xuất bởi dự án thủy điện và hướng đến phát triển nuôi cá nước ngọt bền vững; năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với Trạm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang triển khai mô hình nuôi cá Diêu hồng, rô phi bằng lồng tại hồ chứa nước thủy điện Sông Bung 4 thuộc xã Tà Pơơ - huyện Nam Giang. Với quy mô 125 m3/02 lồng cho 02 hộ và được thả nuôi 12.500 con cá giống.
Đây là mô hình lần đầu tiên được triển khai thực hiện tại địa phương, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây được tham gia mô hình và trực tiếp đầu tư nuôi. Sau thời gian 5 tháng nuôi, đến nay cá phát triển rất tốt, đạt các tiêu chí kỹ thuật đề ra, cả về tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng, trọng lượng, năng suất... Theo đánh giá của mô hình đến thời điểm này cá đạt trọng lượng trung bình 400g/con và tỷ lệ sống đạt 70%, tổng sản lượng thu được trên 4 tấn. Với loại cá cỡ này giá bán trên thị trường tại địa phương hiện nay là 50.000đ/kg, thì sau khi trừ mọi chi phí mô hình lãi ròng trên 40 triệu đồng. Đây là chỉ tính đến thời điểm hiện tại, nếu nuôi thêm thời gian nữa (khoảng 1 - 1,5 tháng) cỡ cá thương phẩm đạt 600 - 700g/con thì giá trị sản phẩm sẽ cao hơn nhiều và hiệu quả kinh tế sẽ tăng gấp bội.
Theo ý kiến của ông Coor Zen, là người trực tiếp nuôi cho biết: Cá Diêu hồng, rô phi là đối tượng nuôi rất phù hợp cho nuôi lồng ở hồ chứa, phát triển tốt ít bệnh tật, bán được giá và được thị trường địa phương rất ưa chuộng.
Ông Tơ Ngôi Kía - Chủ tịch xã Tà Pơơ chia sẻ: Từ trước đến nay bà con ở địa phương chỉ nuôi cá ao, từ khi hồ chứa thủy điện hình thành thì không còn ao nuôi. Việc đưa cá Diêu hồng, rô phi vào nuôi bằng lồng bè cho bà con là bước đi đột phá, nhằm tạo thêm nghề nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao tại địa phương miền núi Nam Giang. Đồng thời tạo nhiều sản phẩm có giá trị cao cho người tiêu dùng miền núi và thị trường tiêu thụ lựa chọn.
Qua kết quả mô hình, bà con và địa phương rất phấn khởi và đề nghị Trung tâm tiếp tục hỗ trợ triển khai mô hình này trong những năm đến, với nhiều đối tượng nuôi mới nhằm cho bà con, đồng bào tiếp cận kỹ thuật và đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt bằng lồng trên các hồ chứa nước thủy điện miền núi tỉnh nhà./.